Hỗ trợ trực tuyến
Lượt truy cập
 1 Trong ngày
 44 Trong tuần
 44 Trong tháng
 44 Cả năm
 44 Tổng lượt xem
1 Đang online

Doanh nghiệp cơ khí tham gia Dự án EPC: Cửa hẹp

Ngày thêm: 11:28:51 11-01-2016

Đấu thầu chế tạo cơ khí: DN khó với

Thực tế hiện nay, khi triển khai công tác đấu thầu hoặc chỉ định thầu thực hiện xây dựng công trình công nghiệp lớn thường chủ đầu tư gộp chung cả gói, không tách riêng phần công việc chế tạo cơ khí cho nên cơ hội cho các DN cơ khí vừa và nhỏ tham gia đấu thầu là rất hạn chế, chủ yếu là làm thầu phụ; như vậy các nhà thầu cơ khí “làm được” lại không “được làm” hoặc khi làm thì bị cắt xén đơn giá, không hiệu quả.

Các DA được chỉ định thầu thì thủ tục rất rườm rà, mất thời gian. Nhiều khi tiến độ thi công tại công trường đòi hỏi phải triển khai ngay thì thủ tục chưa xong dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, hoặc nếu nhà thầu có thiện chí thực hiện thì việc triển khai tín dụng rất khó để mua sắm vật tư và tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác thanh quyết toán sau khi hoàn thành công trình.

Đối với các sản phẩm cơ khí, nhà thầu có năng lực, có cơ sở vật chất tốt, hệ thống tổ chức quản lý tốt và bài bản, thì rất khó nhận thầu với giá rẻ. Nhà thầu bỏ thầu với giá rẻ mà theo ngôn ngữ trong nghề gọi là “hàng chợ” thì không thể đủ năng lực để đáp ứng cả chất lượng lẫn tiến độ cho các công trình công nghiệp quan trọng. Trên thực tế, các chủ đầu tư bao giờ cũng muốn chọn nhà thầu có năng lực và nghiêm túc bài bản trong quản lý điều hành, vừa muốn có giá thật thấp để “an toàn” cho Ban quản lý dự án trong quá trình lựa chọn. Đó là nghịch lý.

Rất nhiều công trình mà chủ đầu tư đã bắt buộc phải lựa chọn nhà thầu với giá thấp do “an toàn” cho Ban quản lý dự án và cho đúng luật (theo quy định trong các văn bản pháp luật về đấu thầu), dẫn đến khi thi công nhà thầu đó phải bỏ dở hoặc thiếu kinh phí thực hiện, gây ảnh hưởng đến tiến độ toàn DA. Thậm chí có những nhà thầu nước ngoài (nhất là nhà thầu Trung Quốc) sau khi nhận thầu với giá thấp, đang trong quá trình thực hiện dừng công việc lại, ép chủ đầu tư tăng giá dẫn đến nhiều hậu quả xấu gây lãng phí hoặc thất thoát tài sản xã hội.

Rào cản trói chân DN cơ khí nội

Để giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa năng lực và giá, tránh việc lựa chọn nhà thầu có giá thấp và năng lực kém, Luật Đấu thầu mới đã quy định hình thức hai túi hồ sơ. Việc này đã có những dấu hiệu tích cực trong việc lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự với giá cả hợp lý (không nhất thiết phải rẻ nhất). Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều những bất cấp khi thực hiện, đã có những trường hợp tiêu chí đánh giá đưa ra những điều kiện tiên quyết như một rào cản gây không ít khó khăn cho nhà thầu như; không nợ thuế, không nợ bảo hiểm, không nợ ngân sách, không xảy ra mất an toàn lao động trong 2 năm gần nhất, kinh nghiệm đã từng thực hiện trong 5 năm gần nhất, trong khi với quy mô công trình như thế trong cả một thời gian dài không có công trình nào tương tự… dẫn đến loại bỏ ngay từ vòng ngoài các nhà thầu có năng lực nhất và rồi vào đến vòng tài chính, chỉ còn một nhà thầu “vô danh” với giá cả tùy ý và duy nhất, đấy là chưa kể đến sự minh bạch và công tâm của chủ đầu tư.

Đối với hình thức tổng thầu EPC các DA xây dựng công trình công nghiệp lớn có công nghệ phức tạp, nếu việc lựa chọn nhà thầu EPC theo hình thức đấu thầu thì thường nhà thầu nước ngoài sẽ trúng và nhận được thầu. Sau đó, các nhà thầu trong nước chỉ có thể nhận lại làm thầu phụ với những điều kiện rất khắt khe về đơn giá, tiến độ, thưởng phạt… hiện nay có rất ít nhà thầu trong nước có thể trúng thầu nếu không có sự can thiệp của Nhà nước.

Từ kinh nghiệm thực hiện tổng thầu EPC xây dựng thành công dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Vũng Áng 1, tháng 11/ 2012 Chính phủ ra Quyết định 1791/QĐ-TTg về thí điểm thiết kế chế tạo trong nước và giao cho nhà thầu trong nước đảm nhận tổng thầu EPC một số nhà máy nhiệt điện 600MW/1 tổ máy, như Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1, Quỳnh Lập 1, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong việc phát huy được tối đa nội lực của cả ngành cơ khí trong nước như: Công tác phối hợp, phân giao công tác chế tạo, lắp đặt cơ, điện, điều khiển tự động hóa... cho các nhà thầu trong nước có đủ năng lực; để có thể phát huy hết được năng lực chế tạo trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa chế tạo cơ khí lên đến 45 - 50% thì công tác tư vấn thiết kế, công tác quản lý DA, công tác tư vấn giám sát,... còn phải cố gắng rất nhiều mới thực hiện thành công những chủ trương của Chính phủ.

Làm gì để “tiếp sức”?

Như phân tích ở trên, ngành Cơ khí chế tạo không phát triển được theo chiến lược đề ra là do: chính nội lực của các DN cơ khí trong nước và các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh, tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành Cơ khí.

Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản là nước công nghiệp, ngành Cơ khí chế tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, muốn phát triển được ngoài tự thân của từng DN, Nhà nước cũng cần hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ hành lang pháp lý: Cần tạo tiền đề và hành lang pháp lý cho sự phát triển ổn định của ngành Cơ khí, xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cho từng giai đoạn. Tổ chức ban hành kịp thời, đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm kỹ thuật, hệ thống đơn giá định mức Quốc gia tiên tiến cho sản phẩm cơ khí. Có chế độ bảo hộ có điều kiện và có thời hạn đối với một số sản phẩm cơ khí trong nước và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ các sản phẩm cơ khí trong nước. Có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm, từ nguồn vốn của Qũy hỗ trợ phát triển Khoa học - Công nghệ; cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các DN sản xuất cơ khí vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn nữa với chu kỳ dài, hỗ trợ ưu đãi lãi suất sau đầu tư;... bảo lãnh tín dụng với DN vay vốn nước ngoài phục vụ cho việc đầu tư năng lực để sản xuất sản phẩm cơ khí.

Lê Văn Khương
Chủ tịch HĐTV TCty COMA

Thiết kế bởi Aptech-IT